Trước thực trạng nêu trên, để khơi dòng kinh tế thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, ông Vũ Tuấn Phương, Giám đốc Văn phòng chứng chỉ rừng bền vững (VFCO) cho rằng, chúng ta phải có khung pháp lý quy định đầy đủ giữa các bên, có thể trao đổi với nhau phải giảm phát thải, bên nào có thể thực hiện cung cấp dịch vụ tín chỉ carbon cho bên nhu cầu giảm phát thải. Hơn nữa, chúng ta cần có một năng lực nhất định để thực hiện các hoạt động báo cáo, thẩm định, giám sát. Cùng với đó, tất cả các cơ sở dữ liệu phải minh bạch
“Việc đẩy nhanh hành lang pháp lý và các hướng dẫn cụ thể, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra. Việc tạo ra quy định sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Nếu không có công cụ, chính sách, chúng ta khó có thể thực hiện được mục tiêu này”, ông Phương nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, mặc dù nội dung carbon rừng đã được đề cập tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP, tuy nhiên, vấn đề chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng vẫn thiếu những quy định cụ thể để có thể thúc đẩy các tiến trình đàm phán thương mại. Để khắc phục bất cập này, trước tiên cần nhận diện những khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý, từ đó có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các thể chế, chính sách tương ứng, phù hợp.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, TS Võ Trung Tín, Trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề thuế của tín chỉ carbon nói riêng cũng như hạn ngạch phát thải nói chung cần được nghiên cứu và ban hành đồng bộ.
Theo ông Tín, dự kiến lộ trình sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được vận hành vào năm 2025 và đi vào hoạt động chính thức năm 2028. Do đó, việc chậm trễ ban hành sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả Nhà nước về thất thu ngân sách và gây khó khăn cho doanh nghiệp phải xử lý về mặt kế toán đối với loại tài sản mới này.
“Một dự án tín chỉ carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cần trải qua các bước cơ bản như đăng ký ý tưởng dự án và phương pháp luận; đăng ký dự án; báo cáo thực hiện dự án; thẩm định và cấp tín chỉ carbon. Về cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ có thể giao cho từng bộ quản lý công nhận phương pháp luận, phê duyệt ý tưởng dự án, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ carbon phù hợp với trách nhiệm tổ chức thực hiện”, TS Võ Trung Tín đề xuất