Với sự phát triển của smartphone, điện thoại cố định - công nghệ có từ thế kỷ 19 - dần đi vào quên lãng. Các nhà mạng như AT&T đang loại bỏ dịch vụ bằng cách khuyến khích khách hàng chuyển sang điện thoại di động hoặc dịch vụ điện thoại gia đình qua kết nối băng thông rộng. Tuy nhiên, theo Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia Mỹ, hiện có một phần tư người trưởng thành vẫn dùng điện thoại cố định. Khoảng 5% nói họ chủ yếu phụ thuộc vào phương tiện liên lạc này, hầu hết từ 65 tuổi trở lên.
Khác với máy di động sử dụng thông qua trạm phát sóng vốn dễ bị gặp sự cố nếu thiên tai, điện thoại cố định kết nối qua dây đồng, tách biệt với mạng di động và băng thông rộng, không ảnh hưởng bởi việc mất điện. Do đó, chỉ cần đường dây này không bị đứt, việc liên lạc vẫn diễn ra bình thường khi mưa bão, lũ lụt.
"Trong 3-5 năm nữa, nhiều bang sẽ nói với các nhà mạng rằng họ sẽ được phép ngừng dịch vụ, nhưng phải chứng minh có dịch vụ khác thay thế với chức năng tương đương'", giáo sư Rob Frieden, giảng dạy về viễn thông tại Đại học Bang Pennsylvania, nói.
Thực tế, AT&T đã yêu cầu Ủy ban Tiện ích Công cộng California chấm dứt nghĩa vụ cung cấp dịch vụ điện thoại cố định ở các vùng của bang do chi phí duy trì cao, trong khi người dùng ít. "Chúng tôi chi hơn một tỷ USD mỗi năm ở California để duy trì mạng lưới và dịch vụ mà chỉ có 5% người sử dụng và đang giảm nhanh. Nó giống việc làm mát toàn bộ tòa nhà cao tầng vào mùa hè cho số cư dân chỉ nằm ở một tầng vậy", Susan Johnson, một lãnh đạo của AT&T, cho biết qua email.
Tuy nhiên, hàng trăm cư dân ở California đã yêu cầu AT&T không loại bỏ máy cố định. Họ dẫn lý do mất điện, cháy rừng và lũ lụt. Đồng thời, việc loại dịch vụ này cũng khiến người già, người tàn tật và người có thu nhập thấp mất đi một phương tiện liên lạc. Ngoài ra, sự cố mất sóng điện thoại của AT&T ngày 22/2 khiến hàng triệu khách hàng trên khắp nước Mỹ không có dịch vụ trong nhiều giờ cũng khiến nhiều người không muốn "khai tử" điện thoại cố định.
Một số nhà mạng khác của Mỹ cho biết họ vẫn giữ mạng lưới điện thoại cố định, chấp nhận các đăng ký mới. Tuy nhiên, họ khuyến khích chuyển sang mạng di động, đồng thời lắp đặt nhiều trạm phát sóng hơn, tìm cách duy trì nguồn điện kể cả khi toàn bộ khu vực đó mất điện.
Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng cam kết chi hàng tỷ USD để mở rộng dịch vụ băng thông rộng ở Mỹ. Dù vậy, kể cả khi các hệ thống được nâng cấp, một số người cho biết điện thoại cố định vẫn là phương tiện liên lạc ổn định và đáng tin cậy.
Một phương thức khác mà người Mỹ sử dụng để liên lạc phòng khi thiên tai xảy ra là điện thoại vệ tinh. Victor Lund, 57 tuổi, ở Arroyo Grande, California đã chọn giải pháp này. Tuy nhiên, ông phải bỏ ra hàng trăm USD để mua máy cùng số tiền lớn cho gói cước. "Chi phí cho việc đề phòng tình huống khẩn cấp không hề rẻ", ông Lund nói.