Tháng 6/2023, một người đàn ông thất nghiệp 63 tuổi ở tỉnh Kanagawa bị bắt bởi cáo buộc bỏ rơi thi thể người bố 95 tuổi trong nửa năm. "Tôi không đủ khả năng chi trả cho tang lễ", người này nói.
Tình huống lần nữa xảy ra ở tỉnh Kanto với người đàn ông 60 tuổi, cũng đang thất nghiệp. Ông bị bắt vì nghi ngờ bỏ rơi bố 90 tuổi và gian lận nhận trợ cấp của người đã khuất. Tuy nhiên, ông bị tuyên án treo và được thả ở tòa.
"Tôi không thể gọi cho bất kỳ ai và không biết mình sẽ sống tiếp thế nào vào thời điểm đó", ông nói.
Nhật Bản đang ghi nhận nhiều trường hợp người trung niên bị bắt vì cáo buộc bỏ rơi bố mẹ đã mất ở nhà. Nhà chức trách cho rằng đằng sau đó là hiện tượng 80-50, mô tả tình trạng bố mẹ ở độ tuổi 80 vẫn phải chăm sóc những đứa con 50 tuổi mắc chứng hikikomori - thoát ly xã hội.
"Đó sự cô đơn và tách biệt điển hình", ông Reiko Katsube, tổng thư ký Hội đồng phúc lợi xã hội TP Toyonaka, Osaka, nói.
Câu trả lời thường thấy của các nghi phạm khi bị bắt là không biết phải làm gì với thi thể và không muốn nói chuyện với người khác. Qua đó, nhà chức trách nhận thấy tính tác động của chứng hikikomori.
Báo cáo về điều kiện sống của Văn phòng Nội các Nhật Bản ước tính có khoảng 613.000 người trong độ tuổi 40-64 đang trong tình trạng hikikomori. Khảo sát về Nhận thức và lối sống thanh thiếu niên Nhật Bản cho thấy có 840.000 người sống khép kín. Nhóm người trên được mô tả không ra khỏi nhà 6 tháng hoặc hiếm khi rời khỏi, chỉ đến cửa hàng tiện lợi.
Khảo sát về chứng hikikomori ở Nhật Bản năm 2019 cho thấy 38% ở độ tuổi 40, 36% ở độ tuổi 50 và 26% ở độ tuổi 60. Nhưng khảo sát vào năm ngoái đã ghi nhận sự gia tăng khi 42% người mắc hội chứng này ở độ tuổi 50 và 36% ở độ tuổi 60. Người mắc hikikomori đang già hóa.
PGS Minoru Kawakita, giảng viên Xã hội học, Đại học Sư phạm Aichi, cho rằng tình huống có thể tệ đi khi ngày càng nhiều người bỏ lại bố mẹ đau yếu trong bệnh việc. Ông đặc biệt kêu gọi ngăn ngừa sự cô lập xã hội.
"Cần biện pháp để mọi người có thể gửi tín hiệu trong trường hợp khẩn cấp", Minoru Kawakita nói