Phần âm nhạc cũng là một điểm sáng. Những ca khúc kinh điển như Heigh-Ho, Whistle While You Work đều được làm lại với bản phối hấp dẫn. Một số sáng tác mới được thêm vào, nổi bật có bài Waiting On The Wish được đánh giá cao, giúp chuyện phim thêm phần ý nghĩa.
Sự đầu tư kỹ lưỡng vào âm thanh và hình ảnh biến Snow White thành một tác phẩm giải trí mãn nhãn, phù hợp với cả khán giả nhí lẫn người lớn.
Đáng tiếc, càng về cuối câu chuyện càng chệch hướng và thiếu sức hút. Nhiều tình tiết gượng ép và thiếu logic khiến người xem cảm thấy mệt mỏi, chán nản.
Diễn xuất không cứu nổi phim
Hóa thân Snow White, Rachel Zegler có nhiều nỗ lực để làm mới nhân vật cổ tích kinh điển, xóa tan hoài nghi của khán giả. Chính đạo diễn Steven Spielberg – từng làm việc với Zegler trong West Side Story (2021) – là người đề cử cô cho Marc Webb.
Với kinh nghiệm sân khấu nhạc kịch và giọng hát truyền cảm, ngôi sao sinh năm 2001 mang đến một Bạch Tuyết vừa ngây thơ, vừa mạnh mẽ. Giọng hát trong trẻo của cô là điểm nhấn, truyền tải được cảm xúc của nhân vật, nhất là trong các phân đoạn nhạc kịch.
Gal Gadot cũng gây chú ý khi vào vai Hoàng hậu độc ác. Song, cô còn có vẻ hơi hiền về tạo hình lẫn diễn xuất, chưa đủ độ tàn nhẫn và sắc sảo cần thiết cho một nhân vật phản diện ấn tượng.
Nếu so với Charlize Theron trong Snow White and the Huntsman (2012), minh tinh người Israel có phần thua kém. Đàn chị Theron mang đến sự kiêu sa và ác độc đầy ám ảnh, trong khi Gadot vẫn bị kiềm chế bởi vẻ đẹp nhẹ nhàng, thiếu sự dữ dội cần thiết.
Một gương mặt khác cũng tạo được thiện cảm là Andrew Burnap. Anh hóa thân nhân vật mới Jonathan – người yêu Bạch Tuyết. Dù không xuất hiện nhiều, nam diễn viên sinh năm 1991 vẫn ghi điểm với vẻ ngoài điển trai và diễn xuất tự nhiên, mang đến làn gió mới cho câu chuyện.
Andrew Burnap mang đến nhiều thú vị khi đóng vai người yêu Bạch Tuyết.