Cũng theo NSND Trịnh Kim Chi, thành công của vở kịch không chỉ là niềm hạnh phúc, vinh dự lớn lao, mà còn là một trách nhiệm sâu sắc đối với bản thân. Là người luôn đau đáu với sân khấu kịch, chị khao khát được truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật, khơi dậy lòng tự hào và tinh thần tự tôn dân tộc trong thế hệ trẻ, đặc biệt là những nghệ sĩ chập chững bước vào nghề. “Với tất cả tâm huyết của người làm nghề, tôi mong rằng từng phân cảnh, từng nhân vật trên sân khấu sẽ là lời tri ân sâu sắc gửi đến những người anh hùng, đặc biệt là các cô chú thanh niên xung phong - những người đã không tiếc máu xương để đổi lấy nền hòa bình hôm nay”, nữ đạo diễn xúc động chia sẻ.
Còn theo Trưởng Ban Văn nghệ Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, nghệ sĩ Yali Trần (vai bà Lành), khi nhận vai, chị rất lo lắng. Nhưng càng đọc kịch bản, càng thấm từng lời thoại, chị lại càng thấy mình như được sống lại trong một ký ức không hề xa lạ - nơi có những người mẹ tảo tần, những người vợ chờ chồng trong mưa bom bão đạn, và những bà má miền Nam bình dị mà kiên cường.