Tại Trung Quốc, vụ scandal của Trịnh Sảng gây chấn động dư luận khi cô bị tố bỏ rơi cặp sinh đôi từ hợp đồng mang thai hộ ở Mỹ, vướng cáo buộc trốn thuế. Chỉ một tuần sau khi bê bối bùng nổ, Prada lập tức tuyên bố chấm dứt hợp tác với nữ diễn viên. Đến tháng 8/2021, Trịnh Sảng bị yêu cầu nộp phạt hơn 299 triệu NDT (khoảng 46 triệu USD) vì trốn thuế.
Tiếp đến, Thái Từ Khôn - ngôi sao từng ra mắt với nhóm nhạc Nine Percent - bị đồn có con với một phụ nữ và đã trả tiền sau khi cô phá thai. Người này tố mẹ anh thuê thám tử tư để theo dõi mình. Thái Từ Khôn thừa nhận từng có quan hệ tình cảm và cả hai đều đồng thuận. Sau sự cố, anh rời Prada nhưng được Versace chiêu mộ vào năm 2024.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), nam diễn viên Kha Chấn Đông bị bắt vì sử dụng cần sa không lâu sau khi trở thành đại sứ Prada. Dù quay lại hoạt động nghệ thuật, sự nghiệp của anh bị ảnh hưởng đáng kể.
Sự lựa chọn tiềm ẩn rủi ro
Không phải tất cả đại sứ thương hiệu của Prada đều vướng bê bối, nhưng số lượng sự cố liên tiếp xảy ra khiến công chúng không khỏi hoài nghi về một “lời nguyền đại sứ Prada”.
Từ khóa về hiện tượng này đã thu hút hơn 300 triệu lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều bình luận bày tỏ sự cảm thông xen lẫn hài hước. “Làm đại sứ Prada giờ là nghề nguy hiểm. Chúc người tiếp theo may mắn”, một người viết. “Tôi đề nghị Prada nên đến đền cầu an trước khi công bố đại sứ mới", một khán giả bình luận.
Tuy nhiên, một bộ phận công chúng lại nhìn nhận vấn đề ở góc độ sâu sắc hơn, cho rằng những bê bối liên tiếp xảy ra phản ánh xu hướng của ngành giải trí hiện nay - nơi danh tiếng trên mạng xã hội đang bị đề cao một cách thái quá.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, cùng với sự gia tăng mức sống và nhu cầu tiêu dùng, các thương hiệu xa xỉ không còn dễ dàng bán được sản phẩm chỉ nhờ phong cách thiết kế hay tên tuổi lâu đời. Thay vào đó, họ cần đến sức ảnh hưởng của các ngôi sao nổi tiếng để thúc đẩy doanh số.