Tuy nhiên, doanh thu phòng vé mở màn này giảm đáng kể so với những phần trước đó của loạt phim 32 năm tuổi. Năm 2015, Jurassic World đạt mức 208 triệu USD chỉ sau 3 ngày công chiếu và 258 triệu USD sau 5 ngày. Jurassic World Fallen Kingdom (2018) lần lượt thu về 148 và 181 triệu USD. Jurassic World Dominion (2022) kiếm được 145 và 172 triệu USD.
Xu hướng giảm này báo hiệu thương hiệu điện ảnh đình đám (bắt đầu từ bộ phim Jurassic Park năm 1994) đang dần cũ kỹ và giảm sức hút.
Trên thực tế, đây là tình trạng không thể tránh khỏi của bất kỳ loạt phim dài tập nào. Universal khôn ngoan khi sản xuất Jurassic World Rebirth với kinh phí tiết kiệm hơn đáng kể.
Hãng phim thường bỏ ra khoảng 250 triệu USD cho các bộ phim trước đó. Đến phần mới nhất, con số này rút xuống còn 180 triệu USD.
Theo Variety, Jurassic World Rebirth không cần đạt một tỷ USD để trở thành bộ phim thành công về mặt thương mại. Tuy nhiên, con số này dường như trở thành chuẩn mực vì 3 bộ phim gần nhất trước đó đều vượt qua được.
Trong bối cảnh hiện tại, chạm đến cột mốc đó là cả thách thức lớn. Năm 2025 đã trôi qua được một nửa nhưng chưa bom tấn điện ảnh nào làm được điều đó.
Tin vui là Jurassic World Rebirth vẫn được ưa chuộng tại thị trường quốc tế, với 171 triệu USD từ 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến sáng 7/7 (giờ Việt Nam), phim đạt doanh thu 318 triệu USD trên toàn cầu.
“Loạt phim này đặc biệt thành công ở nước ngoài. Cho đến nay, doanh số bán vé tại thị trường quốc tế vẫn rất nổi bật. Những pha hành động của khủng long có thể được hiểu bằng mọi ngôn ngữ và mọi nền văn hóa”, David A. Gross, người điều hành công ty tư vấn phim FranchiseRe, nhận xét.
Đánh giá về Jurassic World Rebirth không mấy tích cực. Các nhà phê bình của Rotten Tomatoes chấm cho phim điểm "cà chua thối" 52%, trong khi đó khán giả tỏ ra dễ tính hơn với 72% yêu thích.
Phần mới nhất xoay quanh nhiệm vụ tuyệt mật là tìm kiếm những con khủng long có DNA nắm giữ chìa khóa cho loại thuốc kỳ diệu.
Phim của Brad Pitt lập kỷ lục nhưng vẫn đáng quan ngại
Trước màn tái xuất của đội quân khủng long, đội đua xe của Brad Pitt không thể chống đỡ được, đành phải nhường vị trí số 1 chỉ sau một tuần nắm giữ.
Khoảng cách giữa 2 bộ phim dẫn đầu phòng vé Bắc Mỹ khá xa. F1 sụt giảm 58% doanh số bán vé so với tuần đầu, kiếm được 24 triệu USD từ 3.732 rạp chiếu phim. Cho đến nay, bộ phim của Apple tạo ra 107 triệu USD ở Bắc Mỹ và 250 triệu USD trên toàn thế giới sau 10 ngày ra rạp.
Với số liệu trên, F1 chính thức vượt qua bộ phim sử thi Napoleon (221 triệu USD) để trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất của Apple. Mặc dù không phải là thước đo quá cao (Apple chỉ phát hành năm bộ phim tại rạp), điều đó cho thấy hãng phim non trẻ này đang đi đúng hướng.
Doanh thu phòng vé của F1 giảm sâu sau một tuần ra mắt.