• dangngay.com

Ước mơ có bố mẹ của cô bé người Mông


Chiều thứ 6, đón em trai ở lớp Làu Thị Cá theo thói quen định chạy về nhà nhưng chợt nhớ ở đó không còn ai.


 

Ước mơ có bố mẹ của cô bé người Mông

​Cá, 10 tuổi, là con đầu trong gia đình người Mông ở bản Xa Dung A, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông. Em trai Cá tên Làu A Lính, 9 tuổi.

Trước năm 2018, chị em vẫn sống cùng bố mẹ. Nhà có bốn miệng ăn trông chờ vào vài sào ruộng, nương sắn trồng trên rẫy. Cá nói cơm nhà không ngon như ở trường bởi toàn độn rau, sắn nhưng em vẫn thích bởi có bố mẹ ăn cùng. Sáng đầu tuần, cô bé được bố mẹ chở đến trường, chiều thứ 6 đón về. Riêng em trai học mẫu giáo gần bản, tối được về nhà.

Cá kể mẹ giải thích đặt tên em như thế bởi mong con luôn "có thịt, cá để ăn" và được "theo dòng nước đi khắp nơi" thay vì cả đời chỉ quanh quẩn trong bản như bố mẹ.

 

Ước mơ có bố mẹ của cô bé người Mông-74-1
Làu Thị Cá và em trai Làu A Lính đứng trước ngôi nhà cũ của gia đình tại bản Xa Dung A, xã Xa Dung, nay đã bỏ không sau khi bố bị bắt, mẹ bỏ đi, chiều 23/2. Ảnh: Đức Anh.

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước. Năm 2018, bố em là Làu A Thái bị bắt do vận chuyển chất cấm, bị phạt bốn năm tù giam. Vài tháng sau, mẹ em bỏ đi, chị em Cá và Lính thành không nơi nương tựa. "Mẹ nói đi xa, nhưng không nói bao giờ về. Em không có số điện thoại, không biết mẹ đi đâu", Cá nói.

Từ ngày gia đình ly tán, cô bé khi ấy mới 6 tuổi luôn thèm hơi ấm của mẹ, muốn được ngủ cùng mẹ để hít mùi khói bếp ám vào quần áo. Mỗi lần nhắc đến bố mẹ, mắt Cá lại trùng xuống nhưng em chỉ dám khóc vào ban đêm, tránh để em trai nhìn thấy.

Thương hai đứa cháu mới 5,6 tuổi bỗng dưng mất cả bố lẫn mẹ, bà nội Sùng Thị Khua, 61 tuổi, đón về nuôi. "Thằng Lính còn bé, chưa biết gì nhưng tội nhất là Cá. Từ ngày biết chuyện, con bé trở nên lầm lì, ít nói, thi thoảng tôi lại thấy hai mắt nó đỏ hoe. Tôi biết cháu nhớ bố mẹ nhưng chẳng biết làm sao", bà Khua kể.

Nhận trách nhiệm nuôi chị em Cá, người phụ nữ 61 tuổi nói phải lao động nhiều hơn, sẵn sàng đi làm thuê nhưng quyết không để cháu nghỉ học bởi bà biết mong muốn của Cá là tiếp tục đến trường, được học chữ. Bản thân bà Khua cũng không muốn các cháu giống mình khi đầu hai thứ tóc vẫn không biết chữ, hay chỉ vì thiếu hiểu biết mà đi vào còn đường tù tội như ông nội và bố chúng.

 

Ước mơ có bố mẹ của cô bé người Mông-74-1
Cô bé Cá giúp bà chăm sóc ba con bò của gia đình tại bản Xa Dung A, xã Xa Dung, chiều 23/3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Tuổi còn nhỏ nhưng Cá biết quán xuyến việc nhà và chăm sóc em. Từ ngày Lính vào lớp 1, cậu bé luôn được chị gái lo từ bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi giờ ra chơi Cá chạy sang lớp Lính giúp em trai hòa nhập môi trường mới, các bữa ăn trưa, tối đều xin thầy ra ngồi cùng em trai. Khi về nhà, cô bé 10 tuổi lại nhận trách nhiệm chăm sóc ba con bò, dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm cho cả gia đình.

"Em làm được mà. Em muốn làm để bà và chú thím bớt mệt", cô bé cười.

Cuối năm 2023, bố Cá được ra tù. Cô bé chạy khắp bản khoe sắp được về nhà. Ngày đoàn tụ, anh Thái dẫn các con xuống chợ mua quần áo, tự nấu cơm và hứa sẽ chăm sóc Cá và Lính như ngày trước. Nhưng ở nhà được một tháng người đàn ông này bị bắt lần thứ hai do vận chuyển ma túy.

Một lần nữa, Cá và Lính quay về sống với bà.

Gần 6 năm sống cùng bà nội, trưởng thành hơn nhưng Cá nói vẫn nhớ bố mẹ. Thi thoảng ngồi cạnh bà bên bếp lửa em lại buột miệng hỏi: "Bao giờ chị em con mới được về nhà?".

Đối diện với cháu gái, người phụ nữ 61 tuổi chỉ biết ôm Cá vào lòng. Nhưng trong mọi nghịch cảnh bà Khua luôn khuyên cháu gái phải cố gắng đến trường, phải học thật giỏi để có cơ hội xuống núi. Chỉ khi ra khỏi bản cô bé mới thoát nghèo, biết phân định đúng sai để thay đổi cuộc đời và không để những đứa trẻ của mình phải rơi vào tình cảnh mỗi người một nơi như các con bà đã làm.

 

Ước mơ có bố mẹ của cô bé người Mông-74-1
Bà Sùng Thị Khua cùng hai cháu Làu Thị Cá và Làu A Lính ngồi trước cửa nhà tại bản Xa Dung A, xã Xa Dung, chiều 23/2. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Thầy Lò Văn Du, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Quang Trung, cho biết hoàn cảnh gia đình em Làu Thị Cá và Làu A Lính đặc biệt khó khăn. Bố đi tù, mẹ bỏ đi biệt xứ, hai em hiện ở với bà nội.

"Dù thuộc hộ nghèo nhưng gia đình vẫn tạo điều kiện hết sức để hai cháu được đến trường, đến lớp. Thầy cô và nhà trường cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ học sinh", thầy Du nói.

Theo vnexpress.net

 

    Nhận xét của bạn


    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM