Căn phòng 20 m2 trong khu tập thể giáo viên cách trường 200 m được sửa sang, kê thêm giường, bàn học, làm chỗ ở cho chị em Tuyết. Song song, thầy Quyền làm thủ tục chuyển Khải xuống trường mầm non ở trung tâm xã. Toàn bộ tiền ăn, quần áo hay phí sinh hoạt cá nhân của chị em Tuyết đều do hơn 20 thầy cô giáo tự nguyện đóng góp. Các khoản phát sinh, thầy Quyền sẽ lo liệu.
Thời gian đầu mới về trường, biết Tuyết và Khải chưa quen, các giáo viên luân phiên qua lo bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi sáng, cậu bé 4 tuổi được thầy cô cho ăn sáng, đưa đến lớp mẫu giáo, tối đón về trường cùng chị gái ăn cơm. Về phòng, cô bé 11 tuổi tắm cho em, chủ động dọn dẹp nhà, giặt giũ quần áo. Đợi em trai ngủ, Tuyết mới mở sách vở ôn bài.
Đầu năm 2024, bà nội của Tuyết qua đời, hai đứa trẻ về bản chịu tang. Hết Tết thầy cô lại xuống an ủi, thuyết phục chị em Tuyết trở lại trường. Khác với những lần về trường trước, Tuyết nói chuyến này không thấy dáng bà ngồi ngoài cửa, không được nghe lời nhắc nhở phải ngoan, học giỏi, nghe lời thầy cô. Nhưng cô bé 11 tuổi nói luôn nhớ và hứa làm đúng lời bà dặn.
Từ ngày bà mất, chị em Tuyết ít khi về bản ngày cuối tuần. Sợ học trò buồn, thầy Quyền thường đón hai em về nhà ăn cơm, sinh hoạt cùng gia đình. Căn nhà có bốn người nay chào đón thêm hai thành viên mới. Vợ thầy thường xuyên mua quần áo mới, bánh kẹo và dành riêng một phòng cho chị em Tuyết mỗi khi về.
"Ở nhà với thầy cô thích lắm, em có cảm giác như ngày còn được ở cùng bố mẹ", Tuyết khoe.
Thầy Phạm Văn Doãn, giáo viên chủ nhiệm của Tuyết, nói gia đình em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. "Biết tin nhà trường nhận nuôi hai chị em Tuyết, bản thân tôi và các thầy cô đều phấn khởi, mừng cho học sinh. Người quyên góp tiền, người tặng quần áo, giày dép, sách vở mỗi thầy cô gom góp một ít nhưng đổi lại các con sẽ có cuộc sống tốt hơn khi tiếp cận tri thức", thầy Doãn nói.
Hơn 5 tháng về trường, Tuyết và Khải dần quen với nếp sống mới, thi thoảng em cũng xin thầy chủ nhiệm gọi điện cho chị gái để tâm sự. Cả ba hẹn đến hè sẽ cùng về bản để dọn dẹp nhà cửa, hương khói cho bà trước khi bắt đầu năm học mới.
Về phía nhà trường, nhận trách nhiệm nuôi hai đứa trẻ cũng gặp không ít khó khăn nhưng thầy Quyền nói nếu đồng lòng, hợp sức ắt sẽ vượt qua. Bước đầu, thầy cô sẽ lo liệu để Tuyết và Khải học hết lớp 9. Xa hơn, nếu các em có nguyện vọng học lên cấp ba hoặc học nghề, nhà trường sẽ tính toán trong khả năng và tiếp tục lo liệu.
"Chỉ cần các em có ý thức, quyết tâm thì học cao hơn nữa chúng tôi cũng gắng sức", hiệu trưởng nhà trường nói.
Chị em Tuyết, Khải chụp cùng các thầy cô giáo trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tìa Dình - những người đồng lòng chung sức nuôi hai chị em ăn học, chiều 1/3. Ảnh: Phạm Doãn.