Nghĩ về những khó khăn nhân viên y tế và bệnh nhân như mình đang trải qua, anh Hùng tự nhủ phải làm gì đó để thay đổi thực tế.
23 ngày điều trị cách ly, anh Hùng trải qua những đau đớn "cơ thể như rã ra từng mảnh". Nhưng mỗi khi tỉnh táo, anh chú tâm vào hệ thống truyền dịch đang đưa hóa chất vào cơ thể mình để nghiên cứu.
Chiếc điện thoại trở thành công cụ để anh vẽ những nét đầu tiên về nguyên lý hoạt động và thiết kế sơ bộ của thiết bị kiểm soát dịch truyền với chức năng: Thực hiện tác vụ đếm tốc độ nhỏ giọt, cảnh báo bằng chuông và nháy đèn khi sai khác tốc độ yêu cầu theo y lệnh; điều tiết đường ống, đưa tốc độ nhỏ giọt về tốc độ yêu cầu; khi hết dịch truyền hoặc tắc đường truyền thiết bị phát tín hiệu cảnh báo rồi tự động khóa đường truyền.
Đợt điều trị đầu thành công, anh Hùng trở về nhà, lập tức thực hiện hóa ý tưởng trên máy tính, đồng thời tìm kiếm các đơn vị hợp tác để sản xuất thử nghiệm. Khi chạy thử, sản phẩm của anh được các y bác sĩ khoa Ung bướu đánh giá đạt yêu cầu. Tháng 8/2023, anh Hùng gửi hồ sơ lên Cục sở hữu trí tuệ đăng ký sáng chế. Từ tháng 11/2023 đến nay, anh dùng sản phẩm của mình để truyền hóa chất.
"Quá trình điều trị ung thư của tôi đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Rất may, bạn bè khi biết về sáng kiến đã ủng hộ chi phí để tối ưu hóa sản phẩm", anh nói. Thiết bị kiểm soát dịch truyền có kích thước chỉ bằng một chiếc smartphone, dày khoảng 3 cm kèm bộ đếm cảm biến, vận hành bằng pin sạc.
Bác sĩ Lê Quốc Tuấn cho biết, thiết bị anh Hùng tạo ra không chỉ đạt yêu cầu về tốc độ và quản lý tiêm truyền an toàn, chính xác mà còn nhỏ gọn, tiện lợi, giúp bệnh nhân ung thư dễ dàng sinh hoạt.
"Thiết bị truyền tĩnh mạch bằng máy ở bệnh viện chúng tôi hiện nay chỉ áp dụng cho bệnh nhân hồi sức, nằm một chỗ nhưng cũng rất cồng kềnh, mất thời gian cắm sạc, nặng mà chi phí đầu tư rất lớn", bác sĩ nói.
Anh Quảng Hùng hát trong chương trình ca nhạc dành cho bệnh nhân ung thư tại khoa Ung bướu, bệnh viện Đà Nẵng, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp.