Năm 1970, Thái Lan triển khai chương trình kế hoạch hóa gia đình với mục đích giảm tốc độ tăng trưởng dân số và thúc đẩy kinh tế và thành công sau 6 năm. Thậm chí, nó vẫn được duy trì đến ngày nay với 3/4 phụ nữ đã kết hôn thực hiện các biện pháp tránh thai.
PGS. Sutthida Chuanwan, Viện nghiên cứu dân số và xã hội của Đại học Mahidol, cho biết quan điểm truyền thống về chế độ phụ hệ ở Thái Lan cũng đã thay đổi. Tỷ lệ phụ nữ theo đuổi giáo dục đại học và tham gia lực lượng lao động vượt qua nam giới.
Thái Lan đã duy trì tỷ lệ kết hôn trong một thập kỷ nhưng các cặp vợ chồng chọn không có con, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Họ buộc phải đối mặt với tình trạng già hóa, người trên 60 tuổi đã chiếm 1/5 dân số.
Thawatchai Potin ở Bangkok là một trong số đó. Ông làm nghề sửa quạt từ năm 25 tuổi và tiếp tục đến khi 74 tuổi, quá tuổi hưu 14 năm.
"Tôi không thể sống mà không làm việc", ông nói. Giai đoạn dịch Covid-19, ông phải dè xẻn từng quả trứng để cầm cự bởi nếu về quê, Thawatchai cảm thấy mình là gánh nặng cho các con.
Báo cáo của Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan cho thấy 41,4% người cao tuổi có khoản tiết kiệm dưới 1.500 USD và 78,3% kiếm được ít hơn 3.000 USD mỗi năm. Trong khi đó, họ cần có khoảng 129.000 USD nếu muốn nghỉ hưu ở các thành phố.
Chính phủ Thái Lan đã phân bổ ngân sách hơn 2 triệu USD để trợ cấp sinh hoạt cho người cao tuổi. Tuy nhiên, với tốc độc gia tăng dân số già, chính phủ sẽ đối mặt với áp lực mới.
Sự thay đổi nhân khẩu học này sẽ đòi hỏi loạt chi phí chăm sóc người cao tuổi, bao gồm thuốc men, hạ tầng y tế và vật lý trị liệu. Theo ước tính, người trên 60 tuổi sẽ chiếm ít nhất 28% dân số vào năm 2033.