Về diễn biến mùa mưa bão năm nay, lãnh đạo cơ quan khí tượng cho biết, mùa mưa ở miền Bắc được dự báo diễn ra theo đúng quy luật vào khoảng tháng 5-8.
Biển Đông khả năng hứng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, xấp xỉ trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng, hình thái này sẽ tập trung vào nửa cuối mùa ở Trung Bộ.
Dự báo này cũng phù hợp với nhận định mưa lớn khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng cuối năm tại khu vực Trung Bộ, tập trung từ tháng 9-11/2024.
Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng bắt đầu mùa mưa muộn. Riêng tháng 6, gió mùa Tây Nam xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm, khiến mưa gia tăng ở hai khu vực này.
Ngoài ra, mùa lũ năm 2024 ít có khả năng đến sớm trên các sông, suối ở miền Bắc. Nguồn nước có thể bị thiếu hụt 30-50% trên sông Đà, 40-50% trên sông Thao, sông Lô, sông Hồng...
Các chuyên gia cũng cảnh báo, từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của 4 đợt xâm nhập mặn tăng cao (thời kỳ 23-28/3, 8-14/4, 23-28/4, 6-12/5), trong đó đợt xâm nhập cao nhất vào thời kỳ 8-14/4.
Kết luận hội nghị, ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh, năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm được dự báo sẽ xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường. Do đó, toàn ngành cần theo dõi chặt chẽ, cảnh báo và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm trên phạm vi cả nước và cung cấp kịp thời, đầy đủ các bản tin.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn, đặc biệt là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai.