Ông Lâm nhận định mùa lũ năm nay ít khả năng đến sớm ở Bắc Bộ dẫn tới nguồn nước sông hồ thiếu hụt. Cụ thể, sông Đà, nơi hoạt động của hệ thống nhà máy thủy điện bậc thang lớn nhất cả nước, sẽ thiếu 30-50%, cao hơn năm 2023 khoảng 5-10%. Sông Gâm và Chảy thiếu 20-30%, cao hơn năm trước 10-20%; sông Thao, Lô và sông Hồng thiếu 40-50%, bằng với năm trước.
Các sông ở Bắc Trung Bộ sẽ thiếu 15-30%; Trung Trung Bộ 15-40%, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 15-25% so với trung bình nhiều năm.
Hai tháng tới, Đồng bằng sông Cửu Long còn đối diện với 4 đợt xâm nhập mặn, nồng độ mặn 4 phần nghìn có thể lấn sâu vào cửa sông Vàm Cỏ tới 80-95 km.
Bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng ít hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm (11-13 cơn). Bão đến vào nửa cuối mùa do tác động của La Nina.
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Khoa học Khí tượng Thủy văn biến đổi khí hậu, nhận định thời tiết Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh của việc chuyển pha nhanh giữa El Nino sang La Nina. Nếu La Nina xảy ra vào cuối năm thì khả năng bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập hơn vào cuối năm; mưa lớn và bão, lũ lụt, lũ quét ở Trung Bộ; mưa trái mùa ở Nam Bộ. Trong bối cảnh phát triển nhanh của đô thị hiện nay, ngập lụt đô thị xảy ra thường xuyên hơn.
Năm 2023, Việt Nam xuất hiện 20 đợt nắng nóng, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm 5 đợt. Ngày 7/5, Tương Dương (Nghệ An) nóng 44,2 độ C, cao nhất trong lịch sử quan trắc. Nhiều hồ thủy điện lớn xuống dưới mực nước chết dẫn tới tình trạng thiếu điện diện rộng ở miền Bắc và Trung.